Trung Quốc được coi là “quê hương của trà” vì đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng nó như một loại đồ uống. Trà không chỉ là thức uống thanh nhiệt mà còn là một vị thuốc chữa bệnh rất tốt. Đối với người Trung Quốc, uống trà đã trở thành một nét văn hóa độc đáo từ bao đời nay. Theo ghi nhận của lịch sử, người Trung Quốc đã uống trà hơn 4.000 năm. Để có một ấm trà ngon, đúng điệu, đúng hương vị Trung Hoa không chỉ đến từ nguyên liệu ngon, mà còn phải kết hợp nghệ thuật pha trà độc đáo và đầy tinh tế.
Ở Trung Quốc, trà được xếp vào danh sách 7 thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. “Khách đến uống trà” là phong tục hiếu khách của người Trung Quốc, dù ở thành thị hay nông thôn thì phong tục này vẫn luôn được gìn giữ. Đối với người dân đất nước này, trà có một ý nghĩa và địa vị đặc biệt. Pha trà và uống trà là một thói quen, một niềm vui và là một nghệ thuật.
Mục Lục
Văn hóa uống trà của người Trung Quốc
Uống trà được xem như một nét văn hoá truyền thống của người Trung Quốc. Và là một phần không thể thiếu khi đến du lịch đất nước phương đông huyền bí này. Ở Trung Quốc, trà được tôn vinh là “quốc ẩm”. Cầm, kỳ (cờ), thư (thư pháp), họa, thi, tửu (rượu), trà được văn nhân Trung Quốc coi là 7 thứ không thể thiếu được trong cuộc sống, điều này cho thấy trà đã trở thành một thứ truyền tải văn hóa – nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc. Các triều đại Trung Quốc có rất nhiều tác phẩm thi, hội họa và âm nhạc về trà, uống trà viết thơ, hoạt động đánh giá chất lượng trà đã trở thành hoạt động giao tiếp được văn nhân yêu thích.
Trong văn hóa trà Trung Quốc, không những coi trọng việc lựa chọn kỹ càng lá chè. Mà còn chú trọng hơn trình tự uống trà, tức là nghệ thuật uống trà. Nghệ thuật uống trà bắt đầu hình thành vào đời Đường Trung Quốc. Thịnh hành trong hai đời Tống và Minh, đến đời Thanh dần dần sa sút. Hiện nay nghệ thuật uống trà lại được người Trung Quốc kế thừa và tôn vinh.
Nghệ thuật uống trà của người Trung
Nghệ thuật uống trà bao gồm hai mặt. Một mặt là nghi lễ gồm các khâu chuẩn bị để thưởng thức trà cũng như phương pháp thưởng thức. Mặt khác là tư tưởng tu dưỡng, tức là phải thông qua uống trà tu thân, nuôi dưỡng tinh thần, nâng cao tư tưởng cá nhân lên trình độ hiểu biết triết lý.
Khi thưởng Trà cần chú trọng 5 nội dung gồm chè đạt chất lượng cao, nước pha trà đạt yêu cầu, độ nóng vừa phải, bộ đồ pha chè tốt, môi trường thưởng thức trà tốt. Ngoài phải có chè đạt chất lượng cao ra, cũng đòi hỏi bộ đồ chè phải được rửa sạch sẽ. Dùng nước sạch pha trà, nếu có điều kiện thì cần sử dụng nước suối, nước sông. Thậm chí dùng nước tuyết tan trên cành cây tùng hoặc nhụy hoa mai. Còn yêu cầu bộ đồ pha chè phải đạt chất lượng cao, đòi hỏi trước tiên phải dùng nước nóng tráng chén hoặc lửa nóng làm nóng chén uống trà, để hương thơm của trà tỏa ra ngào ngạt.
Văn hóa thưởng trà ngày nay
Trong thời cổ Trung Quốc, khi thưởng thức trà, không những yêu cầu phải có trà tươi, nước suối ngọt, bộ đồ pha chè tinh khiết, mà còn phải chọn thời tiết tốt. Điều quan trọng hơn là phải có bạn trà phong lưu nho nhã, tâm đầu ý hợp cùng thưởng thức. Hiện nay người dân uống trà không còn yêu cầu cao như trước nữa, uống trà trở nên thoải mái hơn, tiếp khách bằng trà đã trở thành lễ nghi văn minh, tăng cường tình hữu nghị của nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới.
Tuy nhiên, mỗi vùng miền, địa phương lại có sở thích uống trà, cách pha, cách thưởng thức khác nhau. Người Bắc Kinh thích uống trà hoa nhài, người Thượng Hải lại thích uống trà xanh, người Phúc Kiến thích trà đen. Còn người ở miền Nam tỉnh Hồ Nam ở miền Nam thường lấy trà gừng muối để tiếp khách. Theo đó mà nghi lễ uống trà ở các vùng cũng khác nhau. Ở Bắc Kinh khi được mời trà khách đứng dậy, tay đỡ chén trà, cảm ơn rồi mới uống. Còn ở Quảng Đông, khi được mời trà khách phải khum bàn tay lại, gõ gõ 3 lần để thể hiện sự cám ơn.